BÀI TUYÊN TRUYỀN LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử của dân tộc, tư tưởng “Dân là gốc” đã chứng minh được tính đúng đắn, giá trị trường tồn, là bài học quý báu từ truyền thống lịch sử đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) nói riêng. Người dạy rằng “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng Nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy phải dựa vào Nhân dân, không được xa rời Nhân dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH là sự nghiệp của toàn dân nên trong suốt quá trình cách mạng bảo vệ và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố các lực lượng để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH. Cùng với việc xây dựng, phát triển các lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.
Ngày 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tinh gọn đầu mối để tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động của lực lượng này được tốt hơn, linh hoạt và chủ động hơn trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở. Luật quy định về lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn tham gia hoạt động trong lực lượng này.
Trước khi được kiện toàn theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng đã có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân ghi nhận, một số kết quả nổi bật như sau:
1. Đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách: Ngay sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, ngày 22/11/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban Sắc lệnh số 63/SL “Về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” trong đó quy định “Công việc trị an ở cấp xã do một ủy viên trong ủy ban kháng chiến kiêm hành chính xã phụ trách”. Ngày 10/10/1950, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 438 NV/NgĐ, trong đó quy định: “Thành lập tại mỗi xã trong toàn quốc một Ban Công an xã” để giữ ANTT trong xã. Ban Công an xã nằm trong hệ thống tổ chức Việt Nam Công an vụ, đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của Ủy ban kháng chiến kiêm hành chính xã, dưới quyền điều khiển chuyên môn của ty Công an và quận Công an. Đó là những văn bản pháp lý đầu tiên, đặt nền móng quan trọng cho việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Công an xã bán chuyên trách.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) lực lượng Công an xã đã kiên cường bám dân dựa vào dân để nắm tình hình địch, phối hợp với du kích và Nhân dân xây dựng chiến lũy chống địch càn quét, tiêu diệt bọn tay sai, bảo vệ tài sản, tính mạng của Nhân dân, bảo vệ sự an toàn của chính quyền và cơ sở cách mạng, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi cuộc kháng chiến của dân tộc. Sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai; trong thời kỳ này, lực lượng Công an xã được quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố về mọi mặt, đã sát cánh cùng Nhân dân và các lực lượng vũ trang thực hiện tốt các phong trào “Bảo mật phòng gian”, “Bảo vệ trị an” ở 2 miền Nam, Bắc; tham gia tích cực các hoạt động tuần tra vũ trang và đấu tranh chống gián điệp, biệt kích; tuyên truyền vận động Nhân dân ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua sản xuất và đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ sau năm 1975 đến nay, đất nước ta bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, đổi mới đất nước với nhiều thuận lợi và những khó khăn, tình hình ANTT có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, lực lượng Công an xã đã tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, truyền thống quý báu, làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ ANTT, ổn định sản xuất một cách tích cực và hiệu quả nhất; đã triển khai thực hiện tốt các quy định về quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự và các đối tượng chính trị tại địa bàn để kiểm soát, phòng ngừa các hoạt động phạm tội, bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng của Nhân dân. Đồng thời, phát huy được hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, trực tiếp phát hiện, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và Công an cấp trên các biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với nhiều vụ việc phức tạp có liên quan ANTT ở cơ sở. Năm 1999, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23/6/1999 về Công an xã. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quy định đầy đủ, cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và trang bị của Công an xã; về chế độ, chính sách và kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Công an xã; khen thưởng và xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm liên quan đến tổ chức, hoạt động của Công an xã. Sau 09 năm thực hiện Nghị định số 40/1999/NĐ-CP, trước tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước có nhiều thay đổi, ngày 21/11/2008, Pháp lệnh Công an xã đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất quy định toàn diện, đầy đủ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của Công an xã và chế độ, chính sách cũng như những vấn đề khác có liên quan đến lực lượng Công an xã đáp ứng yêu cầu mới của công tác bảo vệ ANTT, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn. Theo đó, Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, giữ gìn TTATXH trên địa bàn xã.
Những đóng góp to lớn của lực lượng Công an xã bán chuyên trách trong hơn 70 năm qua đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, từ khi được thành lập đến nay có nhiều gương Công an xã dũng cảm, mưu trí, không quản ngại hy sinh trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, mang lại sự bình yên cho Nhân dân: Có 64 đồng chí Công an xã hy sinh, 642 đồng chí bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ, trong đó 35 đồng chí được công nhận liệt sĩ, 176 đồng chí được công nhận thương binh; có 73 tập thể, 18 cá nhân Công an xã được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 409 tập thể và 129 cá nhân Công an xã được tặng Huân chương các loại và Bằng khen Chính phủ; 2.000 tập thể, 973 cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen; 5.201 tập thể, 4.335 cá nhân được UBND cấp tỉnh tặng Bằng khen; 38.691 tập thể, 91.894 cá nhân được Giám đốc Công an cấp tỉnh, UBND cấp huyện tặng Giấy khen.
2. Đối với lực lượng Dân phòng: Là một trong những lực lượng nòng cốt trong hoạt động PCCC toàn dân.
Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Tiếp đó, trong thư khen gửi Đội Cảnh sát PCCC Sở Công an Hà Nội ngày 03/8/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của lực lượng dân phòng.
Ngày 14/5/1989, Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị số 35-CT về tăng cường công tác bảo vệ TTATXH trong tình hình mới, trong đó có ghi: “Để tạo điều kiện cho phong trào ở cơ sở cần thành lập “Hội đồng bảo vệ TTATXH ở phường do Mặt trận tổ quốc chủ trì và chính quyền địa phương chỉ đạo, củng cố các đội dân phòng”. Căn cứ vào Chỉ thị số 35-CT nêu trên, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành các quyết định quy định về tổ chức và hoạt động của đội dân phòng ở xã, phường, thị trấn, trong đó quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của đội dân phòng.
Ngày 19/4/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 237/TTg về việc tăng cường các biện pháp thực hiện công tác PCCC; trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan biên soạn Điều lệ hoạt động của các đội dân phòng. Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về hoạt động của lực lượng PCCC quần chúng, trong đó có lực lượng dân phòng, ngày 21/4/1998, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 230/1998/QĐ-BNV(C11) về việc ban hành quy định chế độ huấn luyện nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng PCCC quần chúng. Trong đó, đội viên dân phòng là một trong những đối tượng được huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kết quả huấn luyện về công tác PCCC; Quyết định này cũng quy định về trách nhiệm, quyền lợi của đội viên dân phòng khi tham dự lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC.
Ngày 29/6/2001, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao nhất quy định về đội dân phòng. Theo đó, Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động PCCC, giữ gìn ANTT ở nơi cư trú với những nhiệm vụ chính như sau: Thực hiện các biện pháp giữ gìn ANTT, PCCC, cứu nạn cứu hộ, phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các tai nạn khác theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của ngành Công an; tổ chức tuần tra, canh gác giữ gìn ANTT để phòng ngừa, phát hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội trên địa bàn, các khu vực dân cư theo chương trình, kế hoạch được duyệt của Trưởng Công an cấp xã và theo hướng dẫn của Cảnh sát khu vực, Công an viên. Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, ngày 22/11/2013, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy nhằm hoàn thiện, nâng cao hơn nữa cơ sở pháp lý và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ANTT nói chung và PCCC nói riêng trong tình hình mới, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH.
* Những kết quả trên đã khẳng định vai trò to lớn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bao gồm lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Dân phòng trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH ở địa bàn cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng lập được những chiến công xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm TTATXH, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, được Chính phủ, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trao tặng hàng vạn lượt Bằng khen và các danh hiệu thi đua, khen thưởng cao quý, tăng cường mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa Công an và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở./.