Ngày 26/6 hàng năm được chọn là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy” nhằm nâng cao nhận thức của mọi người trong phòng, chống và đấu tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy trong xã hội...
Kể từ năm 1988, Liên hợp quốc lấy ngày 26/6 hằng năm làm Ngày thế giới phòng, chống ma túy. Ngày 13/6/2001, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg, lấy tháng Sáu hằng năm làm Tháng hành động phòng, chống ma túy và ngày 26/6 là Ngày toàn dân phòng, chống ma túy. Từ đó đến nay, các hoạt động triển khai hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân, thể hiện sự đồng thuận và cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay ngăn chặn hiểm họa ma tuý.
Theo Tổ chức Liên Hợp Quốc: Ma túy là “Các chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người sử dụng”.
Luật Phòng, chống ma tuý số 73/2021/QH14 của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 30/3/2021, có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, cũng đưa khái niệm về chất ma túy như sau: Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Ma túy là một trong những tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong thời gian gần đây, hệ lụy mà ma túy để lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gia đình, cộng đồng, hủy hoại tương lai thậm chí tính mạng của con người.
- Đối tượng chủ yếu mà các “con buôn” ma túy hay hướng tới là các thanh thiếu niên. Đây là đối tượng mới lớn, sự hiểu biết còn giới hạn lại hay tò mò, hiếu kỳ, thích thể hiện bản thân hoặc những người bị stress, áp lực học hành, công việc, cuộc sống,…
- Tác hại của ma túy:
+ Tác hại đầu tiên của ma túy là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Việc hút ma túy ảnh hưởng đến hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ sinh dục,…Ngoài ra, người nghiện ma túy còn có khả năng bị nhiễm HIV/AIDS và có khả năng tử vong cao.
+ Việc sử dụng, mua bán ma túy tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, một khi người nghiện “lên cơn” nếu không có tiền mua thuốc thì sẽ dẫn đến bộc phát các hành động như: trộm, cắp, thậm chí giết người, cướp tài sản miễn sao là có tiền mua thuốc để sử dụng. Khi đã nghiện thì con nghiện thường có xu hướng gia tăng liều dùng để thỏa mãn các cảm giác “hưng phấn” dẫn đến chi phí mua ma túy ngày càng nhiều.
+ Khi nghiện, người nghiện thường không tập trung làm việc, học tập dẫn đến kết quả học tập, làm việc sa sút nên dễ dẫn đến chán nản, họ dễ bị kích động và trầm cảm, gây rạn nứt tình cảm gia đình và ngày càng thu hẹp khoảng cách với các thành viên trong gia đình, xã hội. Do tâm lý bị ảnh hưởng nên họ chỉ tìm được niềm vui đến từ mỗi lần “lên cơn”, họ sẵn sàng làm bất kỳ các hành vi phạm pháp nào để có đủ chi phí trang trải cho mỗi lần “lên cơn” dẫn đến tha hóa về nhân cách, hành vi, lối sống, ngày càng bị gia đình, bạn bè, xã hội xa lánh và dễ bị sa chân vào vi phạm pháp luật. Mặt khác, hậu quả của tệ nạn ma túy đối với xã hội cũng hết sức nặng nề như: ngày càng gia tăng các tệ nạn xã hội khác như (trộm cắp, giết người, mại dâm,…), giảm năng suất lao động, gia tăng các chi phí phát sinh trong việc khắc phục hậu quả của ma túy để lại, lan truyền các bệnh như HIV/AIDS, viêm gan,.. và suy thoái nòi giống.
Việc đánh đổi cả một tương lai chỉ vì một phút hiếu kỳ, tò mò và muốn chứng tỏ bản thân, nghe theo lời xúi giục của những kẻ xấu liệu có đáng hay không? Ma túy và những tác hại của nó vẫn còn đó, vẫn còn là nỗi đau day dứt mãi cho những gia đình có người thân là nạn nhân, vẫn còn là một vấn nạn lớn cho xã hội. Vì vậy, khi phát hiện ra các hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn những hệ lụy nghiêm trọng đồng thời các bậc phụ huynh, nhà trường tăng cường giáo dục cho các em về tác hại của ma túy và các biện pháp phòng, chống ma túy để các em có sự hiểu biết cơ bản, biết nói không với tệ nạn này. Đối với người đã nghiện thì thường xuyên động viên, khích lệ người nghiện vào các cơ sở, trung tâm cai nghiện để cai nghiện; giúp người nghiện đã cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, không xa lánh hay kỳ thị họ để họ có cơ hội làm lại cuộc đời, không sa vào con đường cũ.
Ma túy – hiểm họa khôn lường của xã hội. Bởi vậy, vai trò của người dân, cộng đồng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, quản lý cai nghiện tại cộng đồng và hỗ trợ sau cai nghiện, rất cần được tăng cường.
Hãy chung tay phòng, chống ma túy vì sức khỏe của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà.