Chuyện xưa kể rằng: Vua Hùng thứ 18 sinh được hai người con gái đặt tên là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Cả hai công chúa ngày càng lớn khôn, xinh đẹp thì vua cha đến tuổi ngày càng già yếu. Công chúa cả tên là Tiên Dung đã lấy chồng là chàng trai nghèo kiếm cá ven sông nhưng có hiếu đó là Chử Đồng Tử. Chỉ còn Công chúa Ngọc Hoa đã đến tuổi trăng tròn, xinh đẹp, nhà Vua muốn chọn dể cho con gái nên lập lầu kén rể ở gò Tiên Cát (ngày nay là phường Tiên Cát - Việt Trì - Phú Thọ). Khắp nơi được tin loan báo, trai tài tìm đến đua tranh. Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn - Thần Núi Tản Viên đến xin cầu hôn. Cùng lúc ấy có một người từ trong làn nước cửa ngã ba sông bạch Hạc bước lên tự xưng là Thuỷ Tinh - Thần Sông cũng xin được cầu hôn. Hai người, một là thần núi, một là thần sông, tài năng văn võ không ai hơn ai, nhà Vua không biết chọn ai, Vua bèn nghĩ ra cách thách cưới bằng lễ vật rất khó kiếm tìm, ngày mai ai mang lễ vật đến trước gồm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, 100 cặp bánh trưng, 100 cặp bánh dầy thì sẽ được đón Ngọc Hoa về làm vợ. Sớm hôm sau, lễ vật được tập kết tại làng Phù Đức để rước vào núi Hùng tại điện vua ngự tại núi Nghĩa lĩnh, dâng tiến vua cha. Sơn Tinh dâng lễ vật đến trước và được đón Ngọc Hoa về làm vợ. Lễ đón dâu đưa Công chúa Ngọc Hoa về núi Ba Vì đoàn người đi bộ theo đường bộ hướng từ Đông sang Tây, đoàn rước dâu đi đến làng He xưa kia (làng Vi và làng Trẹo thuộc thị trấn Hùng Sơn ngày nay). Tới ngã ba Cây Hương cạnh bến đò cầu Cáp thì Công chúa đòi xuống kiệu không đi nữa ngồi trên tảng đá hướng nhìn về núi (trên núi Nghĩa Lĩnh các đời Hùng Vương lập điện chính vua ở tại núi Nghĩa Lĩnh) vì nhớ cha, nhớ mẹ. Công chúa ngồi rất lâu chỗ này. Đoàn đưa dâu lo lắng nhiều lần giục Công chúa lên kiệu vì sợ muộn giờ mà Công chúa vẫn không đi cả đoàn bèn bày mưu tính kế bàn với dân làng sở tại tổ chức múa hát, làm nhiều trò vui nhộn cho Công chúa quên nỗi nhớ nhà, đó là trò diễn Bách nghệ khôi hài: Diễn Cày, Diễn Bừa, Bán Hoa, Câu Cá, Gánh mạ - Gieo hạt, kéo Nhị, Cuốc, Cào, Sào, Trống Khẩu, Nơm Úp Cá... kế này thành công, Công chúa vui lòng lên kiệu đoàn rước dâu ra đến bến đò lên thuyền về nhà chồng, nới núi Tản, sông Đà.
Theo tập tục xưa, để tưởng nhớ công lao trời biển của các Vua Hùng, tôn trọng lễ nghi dựng vợ gả chồng của cha mẹ, họ hàng đã ăn sâu trong tiềm thức người dân, Hàng năm nhân dân 2 làng Vi, Trẹo tổ chức lễ hội rước Chúa gái vào dịp đầu xuân năm mới để tưởng nhớ tới công lao trời biển của các Vua Hùng, đã khơi mạch nguồn dân tộc, đặt nền móng cho Quốc gia dân tộc.