Đình Hy Sơn- Thị trấn Hùng Sơn (di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2004).
Đình Hy Sơn (còn gọi là đình Cả) thuộc làng Hy Sơn, xã Tiên Kiên (nay là khu 14, thị trấn Hùng Sơn). Vùng đất Hy Sơn xưa nằm trong bộ Văn Lang thời Hùng Vương, tương truyền, vua Hùng thường đến đây du ngoạn cảnh đẹp và xem binh lính luyện tập. Để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, dân làng Hy Sơn đã lập đình thờ cúng, bài vị giống như bài vị thờ ở Đền Hùng, thờ 18 đời Hùng Vương và các vị thần núi.

Hiện chưa có cơ sở để xác định chính xác niên đại xây dựng đình Hy Sơn, theo Lý lịch xếp hạng di tích đình Hy Sơn của Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao Phú Thọ, trong lịch sử, đình Hy Sơn đã được tu sửa vào các năm: Gia Long thập nhị niên (tức Gia Long năm thứ 2 - năm 1813), Minh Mệnh nhị niên (tức Minh Mệnh năm thứ 2 - năm 1821), Khải Định lục niên (tức Khải Định năm thứ 6 - năm 1921) và Bảo Đại cửu niên (tức Bảo Đại năm thứ 9 - năm 1934). Theo tư liệu kiểm kê di tích năm 1963 của Ty Văn hóa Phú Thọ, năm 1963, ngôi đình hư hỏng kiến trúc. Năm 1995, đình Hy Sơn được phục hồi, năm 2017, đại trùng tu với kiến trúc hiện trạng: Quay hướng Đông Bắc, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm 2 tòa: Đại bái 3 gian 2 chái, kiểu nhà 4 mái, đao cong và Hậu cung 2 gian 1 chái, kiểu nhà hai mái, tường hồi bít đốc, hệ khung vì BTCT, hệ mái bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài phục chế. Trong đình Hy Sơn hiện lưu giữ một số hiện vật: Ngai thờ, câu đối, mâm ấu, y môn, đá kê cột, đỉnh đồng….
Về lễ hội truyền thống: Đình Hy Sơn có kỳ tiệc lệ cùng với ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba, xưa kia, làng có tục lệ rước kiệu vào đền Hùng dâng lễ vật giỗ Tổ. Ngoài ra, ở đình còn có hai kỳ tiệc lệ: Ngày mùng 6 tháng Hai, tế vào xuân, lễ vật dâng cúng là lợn đen, bánh chưng, bánh giầy, có các trò chơi dân gian: Cờ người, tổ tôm điếm, đu tiên, đáo lỗ…; ngày14 tháng Tám, tế vào thu, lễ vật như lệ cũ, có hát nhà tơ.