LỄ HỘI RƯỚC CHÚA GÁI LÀNG VI-TRẸO, THỊ TRẤN HÙNG SƠN
LỄ HỘI RƯỚC CHÚA GÁI
LÀNG VI-TRẸO, THỊ TRẤN HÙNG SƠN
Thị trấn Hùng Sơn là thị trấn miền núi thuộc phía Bắc huyện Lâm Thao được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 01- 01 - 2005 theo Nghị định 183 /2004 /NĐ – CP, ngày 01 - 11 - 2004 của Chính Phủ, trên cơ sở một phần dân số, diện tích của xã Hy Cương, Tiên Kiên và Chu Hoá hợp thành. Có tổng diện tích đất tự nhiên 470 ha với số dân 9.890 người trên 2.715 hộ được chia thành 16 khu dân cư. Trong đó có 9 khu phi nông nghiệp, 7 khu nông nghiệp.
Trên địa bàn thị trấn có nhiều cơ quan đơn vị trường học và nhiều di tích lịch sử văn hoá gắn liền với triều đại Hùng Vương như đền Hạ, đền Trung trên núi Nghĩa Lĩnh, Đình Đông, Đình Cả, Đình làng Trẹo, Đình Hậu Lộc… Nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như lễ hội rước Chúa Gái, lễ đón vua về làng ăn Tết, lễ hội cầu làng… Nhân dân thị trấn có truyền thống văn hoá lâu đời, trình độ dân trí cao, đời sống văn hoá, vật chất, tinh thần ngày càng phát triển lớn mạnh, đời sống nhân dân từng bước được ổn định và nâng cao.
Từ ngàn xưa đến nay, lễ hội luôn có giá trị đặc biệt trong sự cố kết cộng đồng, đồng thời là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau hiểu được công lao của tổ tiên, bày tỏ lòng tri ân công đức các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước và đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong kho tàng những câu chuyện huyền thoại Việt Nam, câu chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh hay chuyện tình của Công chúa Ngọc Hoa đã trở thành quen thuộc với tất cả những người con của dân tộc Việt Nam. Lễ hội Rước Chúa Gái ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ mang đậm nét văn hóa dân gian phản ánh đời sống văn hóa, phong tục tập quán của nhân dân ta từ thời đại Hùng Vương, được nhân dân địa phương lưu giữ và phát huy, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Nhằm phát huy những giá trị to lớn đó, cuốn tài liệu lịch sử địa phương này sẽ đem lại những kiến thức cơ bản, những nét khái quát về lễ hội Rước Chúa Gái ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Từ đó mỗi người đọc cuốn tài liệu
này sẽ có một suy nghĩ, một cái nhìn rộng hơn về lễ hội, phong tục tập quán của địa phương mình nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung diễn ra dưới thời các vua Hùng dựng nước
PHẦN NỘI DUNG
1. Tích chuyện:
Chuyện xưa kể rằng: Vua Hùng thứ 18 sinh được hai người con gái đặt tên là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Cả hai công chúa ngày càng lớn khôn, xinh đẹp thì vua cha đến tuổi ngày càng già yếu. Công chúa cả tên là Tiên Dung đã lấy chồng là chàng trai nghèo kiếm cá ven sông nhưng có hiếu đó là Chử Đồng Tử. Chỉ còn Công chúa Ngọc Hoa đã đến tuổi trăng tròn, xinh đẹp, nhà Vua muốn chọn dể cho con gái nên lập lầu kén rể ở gò Tiên Cát (ngày nay là phường Tiên Cát - Việt Trì - Phú Thọ). Khắp nơi được tin loan báo, trai tài tìm đến đua tranh. Sơn Tinh tên thật là Nguyễn Tuấn - Thần Núi Tản Viên đến xin cầu hôn. Cùng lúc ấy có một người từ trong làn nước cửa ngã ba sông bạch Hạc bước lên tự xưng là Thuỷ Tinh - Thần Sông cũng xin được cầu hôn. Nhìn một lượt diện mạo cả hai chàng, Vua nói:
- Hai người, một là thần núi, một là thần sông hẳn đều cao cường tài nghệ, vậy thử thi tài xem sao.
Thuỷ Tinh vốn tính nóng nảy, ra oai phóng vòi hút nước sông, phì ra hai lỗ mũi thành mây đen cuồn cuộn, sấm chớp, mưa gió mù trời, cây cối tan hoang đổ gẫy, mọi người nhốn nháo lo sợ.
Sơn Tinh mỉm cười, cầm gậy chỉ đầu “tử” vào đám mây, lập tức mây đen tan biến, sấm sét câm lặng, hết gió bão, bầu trời trở lại như cũ. Chàng chỉ đầu “sinh” xuống mặt đất, cây cối đổ gẫy lại đứng thẳng như xưa.
Cuộc thi không phân thắng bại, hai chàng trai diện mạo ngang nhau, tài năng văn võ không ai hơn ai, nhà Vua không biết chọn ai, con gái chỉ có thể lấy một chồng. Vua bèn nghĩ ra cách thách cưới bằng lễ vật rất khó kiếm tìm, ngày mai ai mang lễ vật đến trước gồm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, 100 cặp bánh trưng, 100 cặp bánh dầy thì sẽ được đón Ngọc Hoa về làm vợ.
Lễ thách cưới này được chàng Sơn Tinh (thần núi) sắm đầy đủ, chàng cùng người nhà mang sang lầu Tiên Cát. Sớm hôm sau, lễ vật được tập kết tại làng Phù Đức để rước vào núi Hùng tế lễ, dâng tiến vua cha. Vì đến quá sớm, cổng thành chưa mở nên Sơn Tinh đã lấy lá thổi giả làm tiếng gà gáy. Lính gác mở cổng thành. Sơn Tinh dâng lễ vật và được đón Ngọc Hoa về làm vợ. Chàng trai Thủy Tinh (thần sông) thua cuộc ra về mang nặng trong lòng sự giận giữ và tìm mọi cách phá vỡ mối tình của Sơn Tinh và Công chúa Ngọc Hoa. Hàng năm gây mưa bão dâng nước cho ngập núi Ba Vì nơi có Sơn Tinh ngự trị. Nhưng Sơn Tinh với tài năng sẵn có cùng dân cư trong vùng đắp núi, ngăn nước, nước càng dâng cao thì núi cũng được dâng cao hơn, cuối cùng Sơn Tinh thắng ở đây gọi là núi Ba Vì, vì núi có 3 ngọn cao vút.
Lễ đón dâu đưa Công chúa Ngọc Hoa về núi Ba Vì đoàn người đi bộ theo đường bộ hướng từ Đông sang Tây, đoàn rước dâu đi đến làng He xưa kia (làng Vi và làng Trẹo thuộc khu 3 và khu 7 thị trấn Hùng Sơn bây giờ). Tới ngã ba Cây Hương cạnh bến đò cầu Cáp thì Công chúa đòi xuống kiệu không đi nữa ngồi trên tảng đá hướng nhìn về núi (trên núi Nghĩa Lĩnh các đời Hùng Vương lập điện chính vua ở tại núi Nghĩa Lĩnh) vì nhớ cha, nhớ mẹ. Công chúa ngồi rất lâu chỗ này nhưng năm 60 của Thế kỷ trước vẫn nhìn thấy rõ từ cổng đền lên đến Đền Hạ. Nay cây cao của rừng đồi che lấp cả. Đoàn đưa dâu lo lắng nhiều lần giục Công chúa lên kiệu vì sợ muộn giờ mà Công chúa vẫn không đi cả đoàn bèn bày mưu tính kế bàn với dân làng sở tại tổ chức múa hát, làn nhiều trò vui nhộn cho Công chúa quên nỗi nhớ nhà, đó là các trò: bách nghệ khôi hài, múa tùng dí, múa sư tử... kế này thành công, Công chúa vui lòng lên kiệu đoàn rước dâu ra đến bến đò lên thuyền về nhà chồng, nới núi Tản, sông Đà.
Để tưởng nhớ chuyện rước dâu kể trên dân làng sở tại về sau xây bệ thờ Công chúa tại ngã 3 và trồng cây bóng mát, cây nở hoa trắng, nhựa cây trắng như sữa. Các ngày mùng 1 và ngày Rằm trong tháng dân sở tại thắp hương làm lễ nên gọi là ngã 3 Cây Hương.
Theo tập tục xưa để tưởng nhớ công lao trời biển của các Vua Hùng, tôn trọng lễ nghi dựng vợ gả chồng của cha mẹ, họ hàng đã ăn sâu trong tiềm thức người dân, nên hàng năm nhân dân 2 làng Vi, Trẹo tổ chức lễ rước Chúa gái vào dịp đầu xuân năm mới và việc đó được chính quyền cấp Tỉnh cũng như Trung ương phê chuẩn và từng bước có chỉ đạo khôi phục trở lại để việc tổ chức lễ hội rước Chúa gái ngày càng được nâng cao và có ảnh hưởng sâu rộng trong và ngoài nước.
Rước Chúa Gái là lễ hội được mọi người tôn trọng, sùng bái, trang nghiêm. Thời phong kiến tự chủ, ngoài những nghi lễ cầu tế hàng năm ở các đền trên núi Nghĩa Lĩnh và trong ngôi đình Cả, nhân dân hai lang Vi - Trẹo còn tổ chức lễ hội rước Chúa Gái và diễn trò theo các tích xưa. Đến ngày 25 tháng Chạp hàng năm, cả hai thôn đều cử ông Từ lên làm lễ mở cửa đền nhưng thôn nào có đền thôn ấy cúng và bàn nhau mở hội rước Chúa Gái. Nếu nhất trí là năm đó rước Chúa Gái thì cả hai thôn về dự kiến chọn Chúa Gái, sau đó tiến hành đề cử Chúa Gái.
2. Tiêu chuẩn chọn Chúa Gái:
Con gái xinh đẹp, chưa có chồng, tuổi từ 11 đến 14 tuổi, gia đình phong quang, không có tang chế, con nhà có chức sắc.
Tiêu chuẩn đơn giản nhưng chọn lựa kỹ càng. Ngày 28 tháng Chạp, cả hai thôn lại làm lễ tại Đình và chọn Chúa Gái. Nếu cả hai thôn đều chọn được cô gái đủ tiêu chuẩn mà không bàn bạc quyết định được vì hai cô tương đương nhau thì phải xin “âm dương”. Xin thánh “ứng” vào cô nào thì cô gái đó được chọn làm Chúa Gái năm đó. Sau khi chọn cử Chúa Gái xong, cả hai làng phải tập trung trang trí nhà Chúa Gái, có y môn, màn trần và cử từ 10 đến 15 nữ tỳ chưa có chồng, ăn mặc gọn ghẽ, xinh đẹp, nhà không có tang phục vụ Chúa Gái. Chúa Gái từ chiều 30 tháng Chạp đến mùng 7 tháng Giêng không được đi ra ngoài, mọi nhu cầu ăng uống sinh hoạt đều do các nữ tỳ hầu hạ. Gia đình có con được chọn làm Chúa Gái phải chịu mọi lệ tục trong làng như xép dọn nhà cửa thành nơi thờ kính, sắm đồ mỹ trang may sắm quần áo đẹp cho con mặc, …
Chúa gái và nữ tỳ
Kiệu chúa gái và nữ tỳ
Từ 28 đến 30 tháng Chạp ở hai đình của hai làng bắt đầu tế lễ để đón ngày Tết đến. Nhà Chúa Gái được treo đèn, kết hoa, lập bàn thờ, chăng vải đỏ tự nhà lầu công chúa Ngọc Hoa – Tiên Dung thờ ở đền Giếng khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Ngày mùng 08 tháng Giêng, Chúa Gái được cả hai thôn võng sang đình Hậu Lộc để bà Chúa thay quần áo rồi lên một cỗ kiệu gọi là kiệu Chúa Gái. Kiệu được rước từ đình Hậu Lộc về đình Cả để dân làng làm lễ tạ. Kiệu Chúa Gái có hai đòn cái, bốn đòn con, tám người khiêng, giữa là một sập vuông, trên có một chiếc ghế bành trông tựa ngai của vua chúa ngày xưa. Xung quanh kiệu kết hoa và chăng vải đỏ, phía trên có một cái quạt to che cho khỏi mưa nắng. Chúa Gái ngồi trên kiệu chỉ hở phía trước. Chúa Gái mặc mớ 5 mớ 7, váy dài, đầu chít khăn đỏ có chân chỉ hạt bột, chân đi hài mũi cong.
Tám người rước là tám cô gái mặc áo nỉ có nẹp xanh đỏ, chân cuốn xà cạp, đầu chít khăn vàng. Đi bên kiệu Chúa Gái có hai người che quạt cũng là cô gái trẻ, đẹp, trang phục giống như người rước kiệu.
Chúa Gái đi kiệu có cờ rong trống mở, cùng rước với kiệu Chúa Gái có kiệu Văn rước sắc, kiệu Bát Cống rước cỗ vật. Nghi trượng là nghi thức rước rất trọng thể. Có đủ các loại cờ, trống chiêng, tàn, tán, lọng, bát bửu, voi, ngựa gỗ, kiếm, gươm, giáo, mác. Trong đám rước có phường đồng văn, phường bát âm, các bô lão, viên chức và dân làng. Đi ngay sau kiệu Chúa Gái là Chúa Trai (đi bộ sau kiệu). Phường đồng văn hoá trang làm nhiều trò như: Câu cá, múa, diễn trình nghề, bách nghệ khôi hài… Khi kiệu Chúa Gái gần đến đình Cả, cách khoảng 500 mét, thấy có hai voi, bốn ngựa chờ đón đoàn rước cùng đi. Voi, ngựa
to bằng thật, làm bằng giấy phát, xương bằng tre nứa. Mỗi thôn làm một voi, hai ngựa. voi có đủ bành; ngựa một con đỏ, một con trắng, có đủ yên cương trong như voi ngựa thật.
Khi rước kiệu Chúa Gái, voi, ngựa làng Trẹo đi trước, voi ngựa làng Vi đi sau kiệu. tới đình Cả, kiệu lễ vật và kiệu lễ sắc văn để lên trên sân đình, phía cuối bãi là kiệu Chúa Gái, sau cùng là hai voi, bốn ngựa.Số người xem rước không chỉ là dân làng Vi, Trẹo mà còn là khách thập phương tới dự hội.
Bởi vậy nhân dân địa phương thường lưu truyền câu:
Vui nhất là hội chùa Thầy
Vui thì vui thật không tày hội He.
He là tên tục xưa của hai làng Vi, Trẹo. Hội He hay chính là lễ hội Đền Hùng ngày nay.
Đoàn rước lễ hội rước Chúa gái
Cảnh hội rước
Lễ tạ Chúa được dân làng làm xong ở đình Cả. Kiệu Chúa Gái được rước tiếp qua làng Triệu Phú theo đường sông Hồng về núi Tản, tới cây hương đầu làng, vì thương cha, nhớ mẹ, Ngọc Hoa công chúa không đi nữa, dân làng làm nhiều trò như hát, múa, diến bách nghệ khôi hài… Mục đích của các trò chơi nhằm làm cho Ngọc Hoa vui mà lên kiệu đi tiếp. Sau khi xem trò diễn xong, công chúa không còn buồn bã nữa vui lòng lên kiệu, kiệu tiếp tục được rước đi tới cầu Tây (gọi là cầu Cáp). Chúa Gái được đưa xuống mảng qua ngòi. Người lái đò từ từ chèo mảng xuôi dòng ra bến sông Hồng, dân làng đứng hai bên bờ tiến đưa tới khi bóng hình Chúa Gái khuất hẳn sau luỹ tre xanh.
Đến đây, trò diễn kết thúc, ông thân sinh ra người được chọn làm Chúa Gái chạy tới cõng con về nhà. Qua khỏi cổng, ông cõng con gái chui qua chuồng trâu để vào nhà. Việc làm này ngụ ý để cho Chúa khỏi bắt mất hồn vía người con gái của mình.
Ngày nay khi tìm hiểu toàn bộ diễn trình của các lễ hội dân gian trong làng xã quanh đất cổ Phong Châu, khảo sát câu chuyện tình sử giữa công chúa Ngọc Hoa và Tản Viên Sơn thánh ta sẽ ghi nhận được dung diện phong tục hôn nhân thời cổ đại khi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Đó là tục hôn nhân một vợ một chồng và tục kén chọn để “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem họ”, đó cũng là tục thách cưới, tục cưới xin có tổ chức trò vui, và tục đón dâu, lại mặt. Qua các phong tục hôn nhân thời ấy, đã phản ánh rõ nét đời sống, xã hội thời Hùng Vương là một xã hội phát triển khá cao. Chuyện tình của công chúa Ngọc Hoa đã phản ánh chế độ hôn nhân trong xã hội có gia đình ở giai đoạn phụ quyền, nghĩa là “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Sự lựa chọn chàng rể và tục thách cưới dường như là phong tục được bảo lưu ở rất nhiều địa phương thuộc tỉnh Phú Thọ cho đến ngày nay.
3. Tổ chức hội rước:
3.1. Chuẩn bị:
- Đường rước:
Võng Chúa Gái từ nhà ra đình Hậu Lộc, rồi rước sang đình Cả, qua đồng mạ tới cây hương thôn Vi rồi đến Cầu Cáp (xã Chu Hoá, Việt Trì).
Kiệu rước
Gồm kiệu Văn rước sắc, kiệu Bát Cống rước lễ vật, và một long kiệu rước Chúa Gái (kiểu kiệu cung đình dùng để rước vua, chúa).
- Kiệu rước:
Kiệu văn, kiệu bát cống
- Nghi trượng và trang phục rước:
+ Cờ: 1 đôi tuyết mao; 5 cờ đuôi nheo (ngũ hành) mỗi cờ mỗi sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen); 4 cờ vuông vóc bằng giạ (tứ phương: xanh, đỏ, trắng, đen); 4 cờ tứ linh (long, ly, qui, phượng); 8 cờ bát quái (mỗi lá thêu một chữ: cán, khẩn, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài).
+ Trống: Trống khẩu 4 chiếc; trống cái 1 chiếc; chiêng to 1 chiếc; tán 2chiếc, tàn 2 chiếc; long 2 chiếc; nón dấu 120 chiếc; giầy vải 120 đôi, thắt lưng 120 chiếc; quần áo rước 120 bộ; quần áo công chúa 1 bộ; quần áo chúa Trai 1 bộ; quần áo các vị quan viên 20 bộ; voi, ngựa gỗ 6 con (2 voi, 4 ngựa); chấp kích (đồ bát bửu); lễ vật; gươm; kiếm; áo thụng 3 bộ (3 ông chủ tế của mỗi kiệu); Nhạc cụ (phường đồng văn và phường bát âm).
3.2. Thứ tự rước:
- Đi đầu là người cầm cờ: đầu đội nón dấu, thắt lưng bó qua, chân đi giầy, cuốn xà cạp.
- Tiếp sau là:
+ Trống cái: 2 người khiêng, một người thủ hiệu có lọng che, ăn mặc lịch sự.
+ Chiêng: 2 người khiêng.
+ Voi, ngựa gỗ: có tàn lọng che.
+ Tán : 2 chiếc do 2 người cầm.
+ Chấp kích (Bát bửu).
+ Giữa có một người mang biển bầu dục đề chữ: “Thượng đẳng tối linh” – “Lịch triều phong tượng”. Người cầm biển mặc áo thụng, có lọng che.
+ Ban nhạc sinh tiền (Phường đồng văn).
+ Người vác cờ vía: Người đó mặc áo thụng, cầm cờ vóc, có lọng vàng che.
+ Ba người vác kiếm thần đi bệ vệ: đội nón dấu, thắt lưng bó qua.
+ Phường bát âm: tiêu, sáo, đàn, trống, phách...
+ Kiệu văn: rước sắc.
+ Long đình: bày hương, hoa, mâm ngũ quả (kiệu bát cống). Có tàn, quạt, lọng, vải che kín, tôn nghiêm. Có hai ông cầm trống khẩu gióng hiệu, 4 người đi kèm sẵn phong thay đổi người.
+ Long kiệu: 8 ông khiêng, 8 ông đi phòng thay đổi người.
4. Những trò diễn trong ngày rước Chúa Gái:
4.1. Lấy tiếng hú:
Đêm 30 cả hai thôn phải im lặng không được có tiếng động, không được để chó cắn, mèo kêu. Khoảng 9-10 giờ đêm, mỗi ông cử một ông trưởng phe và một số trai làng kể cả các em từ 10 tuổi trở lên. Ông trưởng phe cầm một con gà giò (gà trống khoảng 1 kg) cùng một số thanh niên trai tráng khoẻ mạnh trong làng đi im lặng quanh làng rồi ra đến cây hương (nơi có truyền thuyết Ngọc Hoa ngồi ăn trầu trên đường về nhà chồng). Ông trưởng phe cầm con gà trống vái vào cây hương 3 vái, sau đó cả đoàn cùng nhau “hú”, chiêng trống ầm ĩ, gọi là “lấy tiếng hú”. Sau đó cả đoàn kéo nhau mang gà về đình làm cỗ tế nửa đêm.
4.2. Tục săn lợn, chạy địch:
Sớm mùng 4 tháng Giêng có tục săn lợn, chạy địch. Từ mùng 3 các chàng trai khoẻ mạnh của hai làng (dưới 30 tuổi) đều ngủ ở nhà ông trưởng đăng cai việc làng năm đó. Đến tờ mờ sáng mùng 4, mọi người cứ lẳng lặng chạy ra cánh đồng, cờ hội của hai làng đã được cắm sẵn, ai phát hiện ra cờ làng mình trước thì chạy nhanh tới nhổ lấy cờ rồi người nọ cướp trên tay người kia chạy về làng. Ai về trứoc sẽ được thưởng và năm đó sẽ gặp may mắn, gặp phúc lớn.
Cướp cờ chạy địch
Cướp cờ xong thì săn lợn. Hai con lợn to khoẻ của hai làng được lừa vào bãi hội, mọi người lao vào dồn bắt, trong tiếng chiêng trống rộn vang, cho tới khi lợn mệt lử không chạy được nữa nằm thở, họ mới sông vào bắt đem mổ, tiết sống và lòng đặt lên bàn lấy mật khẩu lấy hèm trước. Lòng lợn luộc chín tới đặt lên ván cùng với lợn sống (để cả con) làm lễ vật cúng tế. Cúng xong, mang tiết và lòng đổ xuống cánh đồng trước cửa đình.
Cảnh bắt lợn
4.3. Tế sóc và trình voi, ngựa:
Tối mùng 06 tháng Giêng ở đình thừng thôn tế trình voi, ngựa. Mỗi thôn phải làm 2 voi, 4 ngựa bằng mía đan, phết giấy bên ngoài, voi, ngựa phải thắp hương đến khi hoá.
4.4. Tục tùng dí:
Sau khi rước voi, ngựa xuống đình tế xong thì tổ chức chạy tùng dí. mỗi thôn cử 3 người gánh 3 gánh lúa. Đòn gánh là chiếc gậy sơn son, mỗi bên buộc một bó lúa nhỏ chỉ độ một tay lúa (cả bông), trên bó lúa có buộc một nhúm xôi. Hai thôn có 6 gánh lúa do 6 thanh niên khoẻ mạnh mặc quần áo rước vào chạy 3 lượt vòng quanh sân đình. Khi chạy, chiêng trống reo hò nhộn nhịp. Sau khi chạy xong vào vái 3 vái, sau đó ông chủ tế cầm sẵn bó lúa lao về phía sau, nhân dân xô vào cướp những bông lúa về lấy may. Tục này có ý nghĩa cầu cho mùa màng được mùa bội thu.
4.5. Bách nghệ khôi hài:
Hội diễn bách nghệ khôi hài , mặc quần áo nhiều màu đi trước kiệu. Dẫn đầu đoàn trò là một ngước vác cây mía to, trên ngọn buộc một bó lúa gọi là “lúa thờ”, tiếp sau là những người háo trang theo các nghề nghiệp riêng của mình, người đi đầu vác cái sào dài, đầu sào buộc lủng lẳng một cái bánh trưng, người đi săn vác một ngọn giáo bằng cả một đoạn tre to vót nhọn.
Diễn trò Bách nghệ khôi hài
Người làm ruộng vác theo nông cụ như cày, bừa, cuốc, cào làm bằng gỗ hoặc tre to quá cỡ bình thường và có cả những người đeo mặt nạ, đầu trâu, đầu bò đi theo…Hoà trong tiếng trống, tiếng chiêng, đoàn người diễn trò vừa đi vừa lắc lư, nghêu ngao múa hát diễn trò làm vui khiến Chúa Gái ngồi trên kiệu vui cười nhiều là năm đó dân làng gặp nhiều điều tốt lành. Chúa Gái được rước đên cây Cầu Cáp thì xuống mảng. Ông thân sinh ra Chúa Gái đi tới cõng ngay con gái chạy về nhà, chui qua chuồng trâu vào nhà để đánh tan vía Học Hoa nhập vào cô gái khi sắm vai. Trò diễn kết thúc.
5. Các phương án bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội:
Trong nhưng năm qua Thị trấn Hùng Sơn đã quan tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW5 khoá XIII về xây dựng nền văn hoá Việt Nam “Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt đã bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Trong những năm qua, Lãnh đạo địa phương đã đề ra các phương án nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.
Xây dựng bổ sung quy chế quản lý các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể.
Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hoá, các di tích lịch sử văn hoá.
Chính quyền cấp trên đã xây dựng, ban hành quy chế bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn thị trấn, trong đó có Lễ hội Rước Chúa Gái. Tiến hành trùng tu, tôn tạo các di tích lích sử đã xuống cấp, trong đó có Đỉnh Cả, Đình Đông, Đình Trẹo, Đình Hy Sơn, Đình Hậu Lộc…Tiếp tục phát huy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về lễ hội văn hoá cho các tầng lớp nhân dân đặc biệt là chú trọng đến thế hệ thanh thiếu niên. Chú trọng chính sách đầu tư, chính sách sử bảo tồn, phục hồi di sản, phát triển các nguồn lực kinh tế, du lịch, văn hoá một cách bền vững. Tìm kiếm các phương thức để xây dựng các chương trình hoạt động một cách khoa học, sáng tạo, thiết thực và sinh động. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội. Để nâng cao chất lương và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội, việc quan trọng là đưa những giá trị của lễ hội này trở lại với cộng đồng bằng cách khơi dậy ý nghĩa, trách nhiệm, lòng tự hào đối với truyền thống dân tộc trong mỗi người và toàn xã hội.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân nhằm thực hiện xã hội hoá công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của lễ hội, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn văn hoá phi vật thể cho người dân nâng cao nhận thức về truyền thống văn hoá dân tộc, từ đó mỗi cá nhân có ý thức, trách nhiệm bảo vệ di sản.
Thiết nghĩ Nhà nước cần có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân và những người có công giữ gìn, bảo tồn, phát huy, các giá trị di sản văn hoá của dân tộc, đồng thời, cần đưa những giá trị di sản nói chung và lễ hội Rước Chúa Gái thị trấn Hùng Sơn nói riêng vào bảo tồn trong các kho tư liệu, và đưa vào giảng dạy ở các nhà trường, các tổ chức sinh hoạt cộng đồng.